Ba kích được người xưa ghi nhận là loại thuốc Nam quý, có hiệu quả cao trong việc điều trị và bồi bổ sức khỏe cho người dùng. Đối với quý ông, ba kích được biết tới như một bài thuốc rất hữu ích trong việc tráng dương, bổ thận. Do đó, nhiều người đã sử dụng ba kích ngâm rượu để phục vụ việc bồi bổ sinh lực phái mạnh. Hôm nay, chúng tôi sẽ giới thiệu đến đọc giả cách ngâm rượu ba kích chuẩn vị tại nhà. Hãy cùng theo dõi nhé.
Ba kích là gì?

Ba kích là loại thảo dược thuộc chi Nhàu, họ Cà phê (Rubiaceae), tên khoa học là Morinda officinalis stow. Thành phần hóa học của ba kích bao gồm anthraquinon, antraglycozid, acid hữu cơ tinh dầu, nhựa, đường,… Ngoài ra, trong rễ cây ba kích tươi còn chứa vitamin C, rễ khô thì không có. Tại Việt Nam, ba kích còn được gọi là ba kích thiên, diệp liễu thảo, đan điền âm vũ, dây ruột gà… Về hình dáng, đây là loại cây dây leo, dạng thân thảo, thân non màu tím, mảnh, có nhiều lông mịn, phía sau nhẵn. Cây mọc leo thành bụi ven rừng với độ cao dưới 500m.
Tác dụng của rượu ba kích
- Đối với nam giới: Giúp tăng cường chức năng sinh lý cho nam giới; Bổ thận tráng dương, Tăng sức khỏe tinh trùng và giúp kéo dài thời gian khi quan hệ.
- Đối với nữ giới: Ba kích giúp chữa tử cung lạnh, kinh nguyệt không đều.
- Đối với những người có tuổi: Sâm ba kích giúp cải thiện đáng kể bệnh phong thấp, đau lưng, mỏi gối.
Nguyên liệu và cách chọn nguyên liệu ngâm rượu ba kích
Chọn ba kích
Ba kích được chia thành 2 loại: ba kích trắng và ba kích tím. Tuy nhiên, ba kích tím được ưu tiên sử dụng nhiều hơn trong việc ngâm rượu. Bạn có thể chọn ngâm ba kích khô hoặc ba kích tươi. Do ba kích có thể kết hợp với một số nguyên liệu khác nên có thể chuẩn bị thêm các dược liệu như sa sâm, đỗ trọng, đương quy, cẩu kỷ tử, cam thảo, đại táo, bạch tật lê, nhục thục dung,…

Chọn rượu
Để có được bình rượu ba kích ngon nhất, ta nên chọn rượu nếp trắng để tăng thêm mùi vị. Rượu nên có nồng độ từ 40-45 độ. Lưu ý, cần chọn loại rượu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để đảm bảo an toàn, tránh ngộ độc cồn. Vì vậy, lựa chọn rượu an toàn để ngâm ba kích là một khâu cực kì quan trọng.
Chọn bình ngâm rượu
Nên chọn các bình thủy tinh, chum sành để có thể tăng thêm hương vị thơm ngon của rượu cũng như bảo quản lâu dài một cách tốt nhất.
Sau khi đã lựa chọn đầy đủ các nguyên liệu, hãy cùng đến phần hướng dẫn cách ngâm rượu ba kích thơm ngon tại nhà.
Cách ngâm rượu ba kích chuẩn vị
Ba kích tím và trắng đều có cách ngâm giống nhau và cho chất lượng tương tự nhau. Dưới đây là hướng dẫn ngâm rượu ba kích theo 3 cách khác nhau mà bạn cần chú ý.
Ngâm rượu với ba kích tươi

- Bước 1: Rửa sạch củ ba kích rồi để ráo hết nước.
- Bước 2: Tách bỏ phần lõi chỉ lấy lại phần thịt ba kích. Vì lõi ba kích có thể gây ra hiệu ứng kích thích ở tim khá lớn.
- Bước 3: Cho phần thịt củ ba kích vào bình thủy tinh. Sau đó đổ rượu vào bình và đậy chặt nắp. Với tỷ lệ phù hợp là 3-4 lít rượu nếp trắng cho 1kg ba kích.
- Bước 4: Ngâm được 20 ngày thì mở nắp bình ngâm. Dùng đũa gỗ khuấy đều, sau đó đậy kín bình thêm 2 tháng nữa thì mới có thể mang ra sử dụng. Như vậy, để hoàn thành một bình rượu ba kích ngon cần thời gian khoảng 3 tháng.
Ngoài ra, khi kết hợp ba kích tươi với các dược liệu khác để ngâm rượu cần kết hợp theo tỉ lệ phù hợp. 1 kg ba kích tươi thì bổ sung các dược liệu khác với tỷ lệ : Thỏ ty tử 300 gam; Dâm dương hoắc 300 gam; Nhục thục dung 500 gam. Cách làm tương tự với ngâm một mình ba kích, chỉ cần lấy phần thịt củ ba kích cùng các dược liệu ngâm với 5 lít rượu trắng, sau 60 ngày là có thể sử dụng được.
Kết quả: Sau 20 ngày rượu có màu tím nhạt. Sau 30 ngày rượu chuyển hẳn sang màu tím đậm. Và sau 3 tháng thì rượu có mùi vị thơm ngon.
Ngâm rượu với ba kích khô
Có thể chọn 2 loại ba kích khô phổ biến nhất là ba kích khô đã sao và ba kích khô chưa sao.

Ngâm rượu ba kích khô sau khi sao
- Bước 1: Kiểm tra củ ba kích kỹ lưỡng để tránh còn sót lại lõi ba kích. Đối với ba kích khô không cần bước sơ chế, tách lõi vì đã được thực hiện ở công đoạn sơ chế ba kích tươi trước khi sấy khô.
- Bước 2: Thái nhỏ ba kích và đưa vào chảo sao vàng trong 15 phút với lửa nhỏ.
- Bước 3: Rửa sạch bình ngâm và lau khô. Tiếp tục cho ba kích đã sao vào và đổ rượu theo tỷ lệ 1 kg ba kích khô: 8-9 lít rượu.
- Bước 4: Đậy kín nắp trong thời gian tối thiểu 3 tháng là có thể sử dụng
Kết quả: Rượu ba kích sẽ không có màu tím mà thay vào đó là màu hơi nhạt do khi sao với lửa đã làm mất đi màu tím tự nhiên của ba kích. Tuy nhiên, rượu ba kích khô sau khi đã sao vẫn có hương vị thơm ngon và chất lượng không bị thay đổi.
Ngâm rượu ba kích khô trực tiếp
Rượu ba kích khô chưa qua sao có cách làm tương đối đơn giản. Chỉ cần cho ba kích khô trực tiếp vào bình rượu theo đúng tỉ lệ với cách ngâm ba kích khô đã sao trong khoảng thời gian như nhau sẽ thu được thành quả. Cách ngâm này giúp người ngâm tiết kiệm thời gian chuẩn bị, sơ chế. Đồng thời, vẫn cho ra thành phẩm có màu tím như ngâm rượu ba kích tươi.
Ngâm rượu ba kích theo phương pháp Đông y

- Bước 1: Rửa sạch bụi trên đất của ba kích và để ráo nước
- Bước 2: Dùng dao thái củ ba kích thành từng khúc có độ dài 4-5cm.
- Bước 3: Chuẩn bị thớt và chày rồi dùng chày đập một lực vừa phải lên những khúc ba kích để ba kích không quá nát. Điều này giúp hoạt chất trong củ ngâm thấm vào rượu nhanh hơn.
- Bước 4: Mang ba kích phơi dưới ánh nắng mặt trời khoảng 5-6 tiếng để ba kích se lại vừa đủ.
- Bước 5: Dùng tay tách phần lõi ba kích và để lại phần thịt.
- Bước 6: Đổ rượu vào phần thịt ba kích và ngâm trong 3 tháng là có thể sử dụng.
Cách sử dụng và thời gian ngâm và quản rượu ba kích hợp lý
Cách dùng rượu
- Để phát huy hết tác dụng của rượu ngâm, cần chia đều liều lượng hàng 2 bữa mỗi ngày, mỗi bữa uống một chén nhỏ. Lưu ý: Không nên dùng quá liều lượng, chỉ nên dùng 100-150 ml mỗi ngày.
- Đối với những người mới bắt đầu uống, có thể cảm thấy rượu có mùi vị khó uống. Có thể kết hợp ngâm rượu ba kích với 1-2 chén mật ong. Nó sẽ giúp gia tăng hương vị và dễ uống hơn.
Thời gian ngâm và bảo quản rượu

- Thời gian ngâm rượu ba kích có thể kéo dài từ 60-70 ngày là có thể sử dụng. Tuy nhiên nên ngâm trong khoảng thời gian 180 ngày để các tinh chất có trong ba kích thấm hoàn toàn vào rượu. Lúc này rượu ba kích sẽ có chất lượng và màu sắc tốt nhất.
- Nếu hạ thổ thì nên ngâm trong khoảng thời gian lớn hơn 200 ngày với rượu có nồng độ 47-50 độ.
Những thông tin bổ ích trên đã hướng dẫn cặn kẽ cho mọi người biết về những cách ngâm rượu ba kích phổ biến. Người dùng nên lựa chọn cách ngâm rượu phù hợp với điều kiện và khẩu vị của gia đình mình để có thể thưởng thức được bình rượu ba kích thơm ngon. Mong rằng qua bài viết trên có thể giúp bạn có thêm nhiều thông tin bổ ích. Đừng ngại để lại bất cứ câu hỏi nào, nhathuocthanhngoc.vn sẽ hỗ trợ bạn ngay!